C2U

Có phải tích cực lúc nào cũng tốt?

Là du học sinh, chắc hẳn đã không ít lần bạn trải qua những khó khăn trong cuộc sống. Những khó khăn này có thể là trở ngại về ngôn ngữ, lối sống, hay thậm chí là việc kết nối với bạn bè ở môi trường mới. Khi chia sẻ những nỗi lo của mình với người khác, đôi khi bạn nhận được lời khuyên là “Chuyện có vậy thôi hả? Tao thấy chuyện ấy quá bình thường!” Nhưng trên thực tế, bạn cảm thấy lời khuyên này không phải lúc nào cũng hiệu quả. 

Việc cố gắng trở nên lạc quan để che đậy những rối ren bên trong không phải lúc nào cũng tốt. Đôi khi, chúng ta cần chấp nhận những hỗn loạn bên trong mình để từng bước gỡ rối nó. Mời bạn cùng C2U tìm hiểu về sự tích cực độc hại và những ảnh hưởng của nó đến cảm xúc của chúng ta nhé!

Khi sự tích cực trở nên độc hại 

Có một lần, khi H. gặp phải những trăn trở liên quan đến cuộc sống ở Mỹ nước ngoài và chia sẻ với bạn học, H. nhận được câu trả lời là “Thôi đi, vui vẻ lên, ngoài kia còn bao người khó khăn hơn. Lạc quan lên, rồi sẽ ổn thôi mà?”.

Khi đó, mọi phòng ngự cảm xúc trong lòng bạn như sụp đổ. Vì khi chia sẻ những khó khăn với người khác, điều chúng ta mong muốn nhận được là sự lắng nghe và cảm thông, vì nói ra những nỗi buồn trong lòng vốn không phải là điều dễ dàng. Nhưng suy nghĩ “chỉ hướng về sự tích cực” như một lời đáp lạnh lùng, khiến bạn cảm thấy những cảm xúc của mình không được trân trọng và thấu hiểu như mục đích ban đầu của việc chia sẻ nữa. 

Theo Positive Psychology, sự tích cực độc hại là việc chỉ chú tâm theo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua những cảm xúc khác. Điều này thường dẫn đến sự từ chối và đánh giá thấp những trải nghiệm, cảm xúc thật của con người. 

Trong cuộc sống, hạnh phúc đôi khi là một “mặc định"

Từ trước đến nay, sự hạnh phúc đôi khi được xem là mặc định. Cảm xúc buồn bã, thất vọng, hay mất động lực có thể được coi như “không cần thiết” hoặc “không quan trọng trong cuộc sống. Đặc biệt trong văn hoá Á Đông, việc chia sẻ và cởi mở về cảm xúc không phải là một điều phổ biến. 

Tuy nhiên, cảm xúc của con người không chỉ gói gọn trong những trạng thái tích cực. Nhà tâm lý học Robert Plutchik cho rằng con người trải nghiệm hơn 34,000 cảm xúc khác nhau và điều đó được thể hiện qua bánh xe cảm xúc (wheel of emotion) dưới đây.

Dựa trên vòng tròn thứ hai của bánh xe cảm xúc, con người có tám cảm xúc cơ bản, chia làm bốn cặp cảm xúc đối nghịch nhau: vui vẻ – buồn bã, tin tưởng – ghê tởm, sợ hãi –  giận dữ, và ngạc nhiên – mong đợi. Mỗi cung bậc cảm xúc là một phản ứng của bản thân với cuộc sống, phản ánh giá trị và góc nhìn của mỗi người với các tình huống khác nhau. Vì vậy, nhìn nhận cảm nhận của người khác qua một lăng kính chỉ có sự tiêu cực lại vô tình trở nên độc hại.

Tích cực độc hại tác động đến chúng ta như thế nào?

Đây là câu chuyện không phải của riêng ai. Trong cuộc sống, bạn có thể gặp trình trạng này thông qua những tình huống như: che giấu cảm xúc thật, cố gắng chịu đựng những điều mình không thích bằng cách gạt bỏ cảm xúc của bản thân, hạ thấp người khác khi họ có cảm xúc tiêu cực, cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực và vô vàn những tình huống tương tự.

Việc luôn suy nghĩ hoặc giả vờ tích cực để lại những ảnh hưởng tồi tệ hơn đến cảm xúc của chúng ta. Theo thời gian, nó trở thành thói quen và khiến chúng ta bị mất kết nối với chính con người thật của mình. Đối diện với tích cực độc hại, một người có thể hình thành cảm xúc thứ cấp, một phản ứng trước cảm xúc của bản thân. 

Chẳng hạn như bạn buồn bã vì một chuyện không như ý đã xảy ra, nhưng bạn lại cảm thấy xấu hổ về điều đó. Cảm giác xấu hổ lúc này chính là một cảm xúc thứ cấp. Cảm xúc thứ cấp có thể khiến tâm trạng của bạn tồi tệ hơn và nó làm gia tăng sự trầm trọng của cảm xúc ban đầu. 

Không chỉ vậy, nó làm thay đổi trọng tâm của vấn đề. Khi đó, bạn chú ý vào việc mình đang cảm thấy thế nào về cảm xúc ban đầu thay vì chú tâm giải quyết vấn đề ban đầu. Điều này cũng dễ dàng khiến một người đánh mất lòng tự trắc ẩn (self-compassion) với bản thân.

Ngoài ra, tích cực độc hại khiến chúng ta rơi vào trạng thái bế tắc vì không thể chia sẻ cùng ai và quá trình giải quyết vấn đề gặp khó khăn. Thay vì chia sẻ ra bên ngoài để giải toả, họ đè nèn cảm xúc của bản thân. Điều này vô tình giam cầm tinh thần của chúng ta trong một thế giới không có sự cân bằng giữa những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Và điều này nhanh chóng khiến chúng ta kiệt sức.

Nỗi buồn là một đặc ân, và “It's okay to not be okay!”

Sự tích cực độc hại không chỉ phổ biến với du học sinh, mà đồng thời thường xuyên diễn ra ở nhiều môi trường khác nhau. Như nghiên cứu của Robert Plutchik đã chỉ ra, cảm xúc của con người không chỉ xoay quanh ở hạnh phúc và niềm vui. Thay vì chỉ nhấn mạnh tư duy tích cực, công nhận những cảm xúc thật của mình là một cách giải quyết vấn đề tốt hơn và hạn chế được những sự tích cực độc hại. Vì vậy, trong giao tiếp, chúng ta nên chú trọng hơn ở việc tránh dùng những câu từ sáo rỗng như “Mọi chuyện sẽ ổn hơn” hay “Hãy luôn nhìn vào mặt tích cực.”

Và cuối cùng, sự tích cực lành mạnh công nhận những cảm xúc thật. Cảm xúc không phải lúc nào cũng rạch ròi – những cảm xúc trái ngược nhau có thể cùng tồn tại. Bạn có thể buồn bã vì mất công việc yêu thích nhưng cũng cảm thấy hi vọng có thể tìm được một công việc mới. Những lúc này, điều quan trọng nhất là không đánh đồng những cảm xúc tiêu cực là có hại và phải được loại bỏ. Khi đó, bạn sẽ có lòng trắc ẩn hơn với chính mình.

C2U mong bạn sẽ luôn trân trọng những cung bậc cảm xúc khác nhau trên mọi chặng đường sắp tới và có một tinh thần mạnh khoẻ!

>> Đọc thêm về Sức khỏe tinh thần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *