Sau hơn hai năm kể từ ngày bay nửa vòng trái đất sang Mỹ, mình được chiêm ngưỡng thế giới rộng lớn và những công trình kỳ vĩ. Đây là chuyến hành trình giúp mình tìm được bản ngã, hiểu được định hướng tương lai và dần khẳng định bản thân trên bản đồ thế giới.
Trong hành trình đó, nỗi trăn trở về việc bản thân mình là ai, mình muốn làm gì và nên làm gì trong tương lai luôn thường trực. Không chỉ vậy, cảm giác không có mục đích sống, luôn sợ người khác không hài lòng, nghi ngờ năng lực bản thân, phân vân giữa những lựa chọn “vì mình” hoặc “vì những thứ bên ngoài” thường xuyên xuất hiện.
Những cảm giác trên còn được gọi là “khủng hoảng danh tính” (identity crisis). Trên hành trình trưởng thành, không ít lần chúng ta từng cảm thấy khủng hoảng trước câu hỏi “Tôi là ai?”.
Trong bài viết này, C2U sẽ giúp bạn hiểu hơn về một “khủng hoảng” tất yếu trong cuộc sống, và những cách giúp bạn dần dần gỡ được những nút thắt về bản thân mình.
Thế nào là “khủng hoảng danh tính”?
Theo nhà tâm lý học Erik Erikson, “khủng hoảng danh tính” diễn ra khi một người đang trên con đường đi tìm và khám phá bản thân. Đây là trạng thái khi ta không hiểu rõ mong muốn, điểm mạnh, điểm yếu, tính cách, v.v. – những gì tạo nên danh tính của mình. Một người có thể gặp khủng hoảng bản sắc ở bất kỳ giai đoạn nào trong đời.
Du học sinh hoặc những người sống và làm việc ở nước ngoài dễ trải qua quá trình tương tự. Chúng ta sinh ra và lớn lên với văn hóa Á Đông, một nền văn hóa chuộng sự kín kẽ nên khi ra nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, nơi mà con người thường cởi mở và tự do hơn, chúng ta cần làm quen và hòa nhập với điều này. Sự chuyển đổi này khiến bạn cảm thấy lạc lõng và đặt các câu hỏi về bản thân. Điều này có thể dẫn tới những lo âu, trầm cảm, kiệt sức, và những vấn đề tiêu cực trong cuộc sống.
Tuy nhiên, khủng hoảng không phải là bế tắc!
Theo Erikson, “khủng hoảng danh tính” bắt đầu từ những mâu thuẫn quan trọng mà con người buộc phải đối mặt trong quá trình phát triển. Nó giúp chúng ta định hình tính cách và khám phá ra những điều mới lạ của chính mình.
Trong quá trình trưởng thành, con người trải qua 8 giai đoạn phát triển tâm lý khác nhau. Mỗi giai đoạn bao gồm những khủng hoảng và mâu thuẫn, khiến ta tìm cách vượt qua chúng một cách lành mạnh để phát triển. “Khủng hoảng danh tính” là giai đoạn thứ 5 trong hành trình này, thường bắt đầu diễn ra ở độ tuổi thiếu niên và có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào khi trưởng thành.
Cảm giác về bản sắc cá nhân không chỉ xuất phát từ những lần chiêm nghiệm về mục đích sống và câu trả lời cho nỗi băn khoăn “Tôi là ai?” Nó còn xuất phát từ việc giải quyết những xung đột và mâu thuẫn trong quá trình lớn lên, đặc biệt là ở những năm tháng đầu đời.
Làm gì với mâu thuẫn bên trong mình?
Vì vậy, việc nghiêm túc suy nghĩ về những mâu thuẫn bên trong mình và tìm cách giải quyết chúng sẽ giúp bạn hiểu và chọn ra con đường lúc trưởng thành. Thay vì dựa trên những tiêu chuẩn và định hướng của gia đình và xã hội – một điều vốn thường thấy trong các gia đình châu Á, quá trình “khủng hoảng” này giúp bạn tìm được bản sắc riêng trong cuộc sống.
Một người bạn của mình đã luôn giằng xé giữa việc tiếp tục học trường Y hay theo đuổi đam mê làm phim. Một mặt, bạn không muốn làm trái ý gia đình. Mặt khác, bạn muốn được thực hiện ước mơ của mình. Đó là những ngày bạn quay cuồng trong “khủng hoảng” không biết mình là ai và đâu là lựa chọn đúng nhất với mình. Đến cuối cùng, sau một thời gian dài tự nhìn lại, bạn nhận ra đam mê thật của mình và quyết định chuẩn bị một nền tảng vững vàng để theo đuổi nó.
Chúng ta thường trải qua những kiểu khủng hoảng nào?
Trạng thái “khủng hoảng danh tính” tạo nên từ hai yếu tố “Cam kết” – gắn bó với một bản sắc nào đó, và “Khám phá” những các giá trị khác nhau về bản thân.
Dựa trên mức độ cam kết và khám phá, một người có thể trải qua 4 kiểu khủng hoảng sau:
- “Căn tính mờ nhạt” (identity diffusion)
- “Căn tính đình hoãn” (identity moratorium)
- “Căn tính có sẵn” (identity foreclosure)
- “Đạt được căn tính” (identity achievement).
Vượt qua cơn khủng hoảng để định vị chính mình
1. Chấp nhận sự tồn tại của nó
Ai cũng từng một lần trải qua cảm giác mâu thuẫn về danh tính và bản sắc cá nhân, ở bất kỳ thời điểm nào trong đời. Chấp nhận đây là một phần của trường thành giúp bạn đón nhận cơn khủng hoảng này một cách cởi mở hơn.
2. Thường xuyên nhìn lại bản thân
Câu trả lời cho cơn khủng hoảng xuất phát từ bên trong bạn. Khi được hỏi về sở thích cá nhân hoặc việc làm trong thời gian rảnh, chúng ta thường nhắc đến những điều chung chung như tham gia câu lạc bộ, xem phim, hay đọc sách. Điều khiến chúng ta khác biệt là những chi tiết cụ thể hơn thế, có thể được xác định thông qua những câu hỏi như:
- Nếu bạn thích tham gia câu lạc bộ, bạn thích tham gia câu lạc bộ nào? Đâu là vai trò bạn cảm thấy phù hợp?
- Nếu bạn thích xem phim, bộ phim yêu thích của bạn là gì? Nội dung nào của phim khiến bạn thấy hứng thú?
Chúng ta có thể biết về mình rất nhiều qua những việc mà tưởng chừng chúng ta chỉ làm trong thời gian rảnh. Trong đó ẩn chứa những sở thích, tính cách, và thậm chỉ là một mảnh ghép quan trọng về bạn.
Không chỉ vậy, nhìn lại những công việc và những thành tựu mà bạn đã đạt được trong quá khứ cũng giúp bạn hiểu hơn về bản thân. Để phản tư, bạn có thể đặt cho mình những câu hỏi như:
- Trong những năm qua, mình làm vì và đạt được gì?
- Nếu không làm công việc hiện tại, tôi sẽ làm công việc nào?
- Có điều gì tôi luôn muốn thực hiện nhưng chưa thể làm được ở hiện tại không?
Khi cảm thấy “bế tắc” vì không thể tìm được câu trả lời mong muốn, đừng vội mất hy vọng mà hãy thử tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác. Đó có thể là gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý.
3. Kết nối các điểm chạm
Sau khi tự nhìn lại thông tin về bản thân, bạn cần kết nối chúng để tìm ra câu trả lời cho chính mình. Sự giúp đỡ của mọi người xung quanh có thể giúp bạn nhận ra những điều mới về bản thân mà bạn chưa từng nghĩ tới hoặc nhận ra trước đây.
Kết
Bạn có thể phải liên tục tìm kiếm bản thân ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời mình, và điều đó hoàn toàn bình thường! Hãy nhớ là, bạn không nhất thiết phải trói buộc mình vào một khuôn mẫu nhất định nào cả. Chỉ bạn mới có thể quyết định bạn sẽ trở thành ai và muốn trở thành ai trong đời mà thôi.