C2U

“Burnout” ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần như thế nào?

Nhịp độ sống nhanh, công việc cạnh tranh, những vấn đề nhức nhối về visa làm việc là một trong những nguyên nhân khiến người Việt ở nước ngoài cảm thấy “burnout” (kiệt sức). Việc sinh sống và học tập ở nước ngoài đi kèm với nhiều trách nhiệm và khó khăn, khiến chúng ta dễ dàng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Trong bài viết này, hãy cùng C2U tìm hiểu về hiện tượng “burnout” thường gặp trong cuộc sống và những ảnh hưởng của nó lên đời sống tinh thần nhé!

Tình trạng “burn out" trong cuộc sống hiện nay

Nhà tâm lý học Herbert Freudenberger giải thích hiện tượng “burnout” là tình trạng không còn động lực để cố gắng và sự nỗ lực thực hiện một điều gì đó không đem lại kết quả mong muốn.

Điều này từng xảy ra khi tôi bắt đầu công việc thực tập đầu tiên với rất nhiều mục tiêu và kỳ vọng. Ban đầu, mỗi ngày đi làm luôn tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn được học hỏi. Nhưng sau một thời gian dài làm việc thêm giờ kết hợp với những lo lắng khác, mỗi sáng thức giấc là một lần tự hỏi liệu công việc này có còn ý nghĩa không. Đôi khi, năng suất làm việc của tôi không đạt được mục tiêu mong đợi, nhưng tôi vẫn cảm thấy “burn out” vào mỗi tối khi tan làm. 

Theo tiến sĩ tâm lý học Jacinta Jiménez, cảm thấy “burn out” không đơn thuần là làm việc quá sức. Nó bao gồm ba yếu tố chính: cảm thấy “kiệt sức” (exhaustion), “hoài nghi” (cynicism), và “năng suất kém” (inefficacy). Khi ba yếu tố này cùng xảy ra, đó là lúc bạn bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

“Burn out" tác động đến chúng ta như thế nào?

Đến nay, hiện tượng “burn out” tác động nhiều đến cuộc sống của chúng ta. Theo khảo sát của Microsoft vào tháng 9/2022, hơn một nửa nhân viên (53%) nắm chức vụ quản lý cảm thấy “burn out” trong công việc. Một khảo sát khác cũng chỉ ra khoảng 70% nhân viên fulltime cũng gặp phải tình trạng này. 

Trái với sự nổi tiếng của mình, Lady Gaga đã từng chia sẻ, “Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, tôi nhận ra nói “Có!” trước bất kỳ cơ hội mới trở thành một phản xạ tự động, một điều mà tôi nhận ra là không lành mạnh chút nào. Sau đó, sức khoẻ tinh thần của tôi đi xuống trầm trọng và cần được chăm sóc chu đáo hơn.” Dưới tác động của “burn out”, một người dần cảm thấy mất kết nối với chính công việc hiện tại và với cả chính mình.

Không chỉ vậy, cảm giác “burn out” kéo dài dẫn đến kiệt sức về mặt tinh thần và năng suất giảm mạnh trong mọi công việc mình làm. Chẳng hạn như sau một ngày làm việc mệt mỏi tại công ty, khi trở về nhà, bạn không còn đủ sức để nấu một bữa ăn ngon, giặt giũ quần áo, làm việc nhà, hay thậm chí là không còn cảm thấy ngon miệng khi ăn. Việc “burn out” nhìn chung vô tình ảnh hưởng đến những nhiệm vụ khác mà bạn thực hiện chứ không chỉ trong công việc fulltime tại công ty.

Vậy “burnout” bắt nguồn từ đâu?

Theo báo cáo của Gallup, “burnout” trong công việc xuất phát từ nhiều yếu tố rủi ro khác nhau như không được giúp đỡ từ cấp trên, không có kỳ vọng rõ ràng trong công việc, không kham được khối lượng công việc lớn, hay không được đối xử công bằng.

Nhưng trên thực tế, “burn out” không chỉ đến từ sự mất cân bằng trong công việc mà còn xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau trong cuộc sống. Chẳng hạn như khi một người không dành đủ thời gian để nghỉ ngơi hay luôn quay cuồng với những kế hoạch khác nhau, họ dễ dàng cảm thấy kiệt sức hơn. Những người cầu toàn thường cảm thấy burn out rất nhanh, vì họ thường không hài lòng với kết quả hiện tại.

Áp lực đè nặng luôn là nỗi trăn trở của nhiều người, đặc biệt là khi vừa bước vào đời và phải đối diện với nỗi lo công việc và kỳ vọng của gia đình. Trong đó, “FOMO – Fear of Missing Out” (nỗi sợ bỏ lỡ) cũng là một tiền để thổi bùng chứng “burn out” trong cuộc sống.

FOMO - Khi nỗi sợ bỏ lỡ có thể khiến bạn kiệt sức

FOMO diễn tả cảm giác lo lắng, thất vọng vì không có được những thứ người khác sở hữu hay không được là một phần trong các hoạt động xã hội. Dù cảm giác này đã xuất hiện từ lâu, tình trạng FOMO trở nên rộng rãi hơn dưới sự phát triển của mạng xã hội. 

Trong thời đại thông tin ồ ạt, rất dễ để bạn cảm thấy áp lực rằng mình chưa có đủ. Khi nhìn thấy người khác chia sẻ một thành tựu trên mạng xã hội, bạn cảm thấy họ thành công còn bạn thì không, dù điều đó đôi khi không đúng sự thật. Sự so sánh này có thể xảy ra khi bạn thấy bạn bè được nhận vào làm ở các tập đoàn hay trường học lớn còn bạn thì làm việc hoặc học tập ở nơi không ai biết đến. Điều này vô tình khiến bạn có cảm giác “thua kém” và muốn đuổi kịp.

FOMO thường xuất phát từ cảm giác kiệt sức ngay trong môi trường họ đang làm việc. Họ không dám nghỉ hoặc làm ít hơn người khác vì sợ bản thân không được tham gia vào dự án quan trọng. Họ sợ rằng mình đang không cố gắng đủ để bỏ lỡ những bước thăng tiến quan trọng trong sự nghiệp. Điều này dần dẫn đến “burn out” và kết quả phản tác dụng.

Từ FOMO đến JOMO

Mặt khác, “JOMO – Joy of missing out” (Niềm vui khi bỏ lỡ) là một quan điểm trái ngược với FOMO. Trong khi FOMO diễn tả nỗi sợ khi bỏ lỡ những gì người khác làm, JOMO là niềm vui khi bỏ qua những điều đó và chú tâm đến những điều quan trọng và khiến mình hạnh phúc. 

FOMO trước đây thường gắn với những ảnh hưởng tiêu cực. Khi cụm từ JOMO trở nên phổ biến hơn, nó vô tình được xem là một lối sống “lành mạnh” khi một người có thể đề cao bản thân mình. Nhưng nghiên cứu chỉ ra JOMO không đồng nghĩa với tích cực. Hơn 10% người thực hiện khảo sát cho rằng JOMO đôi khi gắn liền với chứng “lo âu xã hội” (social anxiety) hoặc cô đơn. Trong nghiên cứu đó, một người có thể theo đuổi lối sống JOMO để né tránh tương tác xã hội với người khác thay vì để tận hưởng niềm vui của bản thân.

FOMO và JOMO trong công việc

FOMO thường xuất phát từ cảm giác kiệt sức ngay trong môi trường họ đang làm việc. Họ không dám nghỉ hoặc làm ít hơn người khác vì sợ bản thân không được tham gia vào dự án quan trọng. Họ sợ rằng mình đang không cố gắng đủ để bỏ lỡ những bước thăng tiến quan trọng trong sự nghiệp. Điều này dần dẫn đến “burn out” và kết quả phản tác dụng.

Trong công việc, FOMO hay JOMO đôi khi được xem là hai thái cực của cuộc sống: “đâm đầu” vào công việc hoặc “tạm gác lại” mà tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, cả FOMO và JOMO về lâu dài chưa chắc là lựa chọn tốt nhất, vì mỗi trạng thái đều đem lại những mặt tốt và xấu khác nhau.

Đến cuối cùng, chúng ta vẫn chọn hạnh phúc và làm những điều khiến bản thân thoải mái. Điều quan trọng nhất để cân bằng giữa công việc và cuộc sống là hiểu được bản thân mình là ai, yêu cầu sự giúp đỡ khi thấy công việc quá tải, sắp xếp lại công việc và cuộc sống khi cần thiết. Và đừng quên cho mình những ngày nghỉ ngơi và kết nối với bản thân nữa nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *