Một trong những sự thay đổi lớn nhất khi vừa chuyển sang nước ngoài sinh sống là sự thay đổi về mặt thời tiết. Khác với thời tiết ở Việt Nam, mùa đông ở Bắc Mỹ hoặc châu Âu thường kéo dài nhiều tháng trong năm. Trong thời gian đó, nhiệt độ thường xuống thấp hơn và lạnh hơn nhiều so với nhiệt độ của Việt Nam.
Mùa đông thường gắn liền với sự u ám và lạnh lẽo, do đó, chúng ta thường cảm thấy uể oải và buồn bã hơn các mùa khác. Khi hiện tượng này kéo dài, chúng ta dễ dàng gặp phải chứng “trầm cảm theo mùa,” tiếng Anh là Seasonal Affective Disorder (SAD).
Khác với những hình ảnh mùa đông thơ mộng được nhìn thấy qua phim ảnh, một mùa đông không có ánh mặt trời kéo dài có thể dẫn đến một cảm giác trầm, buồn kéo dài. Do đó, trong bài viết lần này, C2U mong muốn đem đến bạn những thông tin và những cách đối phó với những ngày trời trở lạnh ở xứ người.
Khi cảm xúc chuyển giao theo mùa
“Trầm cảm theo mùa” là một chứng rối loạn cảm xúc thường diễn ra vào một khoảng thời gian nhất định trong năm. Thông thường, chúng ta vẫn có sức khoẻ tâm lý ổn định, nhưng vào một thời điểm nhất định hàng năm, triệu chứng rối loạn cảm xúc được bộc lộ. Khoảng thời gian phổ biến là vào mùa đông hoặc mùa mưa, khi thời tiết và khí hậu trở nên ảm đạm hơn.
Theo Psychology Today, trầm cảm theo mùa xảy ra do sự thiếu hụt ánh nắng trong một ngày. Trong những ngày mùa đông hoặc mùa mưa, chất dẫn truyền thần kinh melatonin – hormone điều khiển chu kỳ giấc ngủ, được sản sinh ra nhiều hơn. Nó khiến chúng ta dễ cảm thấy buồn ngủ và trì trệ hơn.
Không chỉ vậy, thiếu ánh nắng ảnh hưởng đến mức độ serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều hoà cảm xúc, giấc ngủ, ăn uống, và hệ tiêu hoá. Hàm lượng serotonin cao trong cơ thể giúp tâm trạng ổn định hơn. Serotonin được kích hoạt khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nên khi mùa đông hoặc mùa mưa đến, cơ thể không sản sinh đủ hàm lượng serotonin. Điều này dễ dàng dẫn đến chứng “trầm cảm theo mùa”.
Phân biệt “trầm cảm theo mùa” với mệt mỏi thông thường
Một số dấu hiệu của “trầm cảm theo mùa” là:
- Cảm giác vô vọng và buồn bã kéo dài
- Hiện tượng “Hypersomnia,” khi một người ngủ cả ngày lẫn đêm và tính tình thay đổi
- Thay đổi khẩu vị và thói quen ăn uống
- Thay đổi cân nặng đáng kể
- Không có hứng thú hoạt động thể chất
- Khó tập trung làm việc, học tập
- Thường xuyên cảm thấy nặng nề, khó chịu
- Thu hẹp giao tiếp xã hội
- Mất ngủ
Những ai vừa phải thay đổi môi trường sống dễ gặp “trầm cảm theo mùa” hơn. Trong đó, những người lần đầu tiếp xúc với mùa đông, mùa mưa, hoặc thậm chí là ngày nắng kéo dài đều có thể dễ gặp phải chứng rối loạn này.
Để thời tiết không còn là trở ngại
Với những người đang sinh sống và làm việc ở các nước có khí hậu khắc nghiệt, việc thay đổi thời tiết là một điều bất khả kháng. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi góc nhìn của bản thân và cách đối diện vấn đề để không bị tác động nhiều bởi những ngày đông hay hè kéo dài đằng đẵng nữa.
1. Chấp nhận sự tồn tại của nó
Người Đan Mạch có một lối sống “Hygge”, tạm dịch là một cuộc sống hướng về cảm giác thoải mái và ấm cúng. Trong những ngày đông u ám, bạn có thể tận dụng nến thơm, đèn vàng, hay nhâm nhi một món đồ uống nóng để đem lại cảm giác ấm áp cho bản thân và không gian sống của mình. Bên cạnh đó, sử dụng đèn mô phỏng ánh sáng tự nhiên cũng giúp xua tan phần nào cảm giác lạnh lẽo của thời tiết.
2. Chuẩn bị tinh thần khi thu sang
Theo nhà tâm lý học Kim Burgess, việc chuẩn bị tinh thần cho mùa đông giúp bạn đối phó với một “depression season” tốt hơn. Trước đó, hãy tham gia các hoạt động giúp bạn thấy tốt hơn về mặt tinh thần lẫn thể chất.
3. Thiền
Thiền là một phương pháp hiệu quả giúp một người tự chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất, đồng thời giúp bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực của mùa đông. Trọng tâm của thiền là “mindfulness” (chánh niệm), chỉ việc tập trung nhận thức vào những gì đang xảy ra trong hiện tại thay vì lo lắng về quá khứ hoặc tương lai.
Kết
Với những người đang sinh sống ở nước ngoài hay vừa trải qua những thay đổi lớn trong môi trường sống, những dấu hiệu của “trầm cảm theo mùa” có thể xuất hiện và vô tình để lại ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn.
Do đó, bạn cần quan sát kĩ những thay đổi trong cảm xúc và thói quen của bản thân để nhận biết các thay đổi bất thường. Nếu nhận thấy tâm trạng của bản thân kéo dài và biến chuyển một cách tiêu cực hơn, bạn nên tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia và người thân để hạn chế ảnh hưởng của thay đổi thời tiết.