C2U

Mạng Xã Hội và Du Học Sinh

Là du học sinh, nhờ có nền tảng mạng xã hội mà chúng ta mới có thể 
.. gọi điện và cập nhật tình hình cho không chỉ bố mẹ ở nhà mà còn họ hàng gần xa, vơi bớt cảm giác cô đơn;
.. giữ kết nối với bạn bè dù ở cách nhau cả nửa vòng trái đất;
.. có những tình bạn mới dựa trên sở thích chung, bất chấp rào cản địa lý;
.. tiếp cận với nhiều nền văn hoá, phong tục tập quán và lối sống trên toàn thế giới
.. tự do thể hiện và khám phá thêm những khía cạnh khác nhau của con người mình
.. học thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới hoàn toàn miễn phí;

Chẳng phải ngẫu nhiên mà 4 cựu vloggers đầu tiên của Việt Nam đều là những du học sinh: Huyme, An Nguy, JVevermind và Toàn Shinoda. Liệu có phải cảm giác lạc lõng ở một đất nước mới, nhu cầu muốn chia sẻ, giao tiếp và kết nối của các bạn trẻ trở nên mạnh mẽ hơn? Và những áp lực tâm lý – xã hội mà các bạn trẻ gặp phải khi sử dụng mạng xã hội là gì? Mời bạn cùng C2U tìm hiểu về chủ đề sức khỏe tâm lý của người trẻ khi sử dụng mạng xã hội trong bài viết dưới đây nhé!

Hai Câu Chuyện

Đi du học được hai năm, T. hủy kết bạn với hầu hết các bạn cùng lớp cấp 3 của mình, trong đó có không ít bạn cũng sang Đức du học như T. Bởi mỗi khi lướt mạng xã hội, T. cảm thấy bất an và căng thẳng khi theo dõi cập nhật từ các bạn. Họ có thêm nhiều bạn bè mới, có người yêu, hòa nhập với cuộc sống có vẻ tốt, kiếm được việc làm thêm dễ chịu và cả những bức ảnh du lịch được chỉnh filter đẹp đẽ. Ban đầu là hủy theo dõi, sau đó là hủy kết bạn như một quyết định dứt khoát mà T. làm cho bản thân mình – T. không những cảm thấy những kết nối trên mạng có cũng chỉ để đó, vô nghĩa, mà phần nào đó khiến bản thân T cảm thấy tự ti hơn. T. sợ những lời hỏi thăm: “Dạo này thế nào rồi, có gì mới không?”, “Mọi chuyện có ổn không?” vì không biết phải trả lời như thế nào. 

Khác với T., M. không thể sống thiếu mạng xã hội từ lúc xa nhà. Trước kia, cô bạn có thể đi vào giấc ngủ dễ dàng. Còn bây giờ, M. luôn cần check từ Instagram, Facebook đến Youtube trước khi đi ngủ và ngay khi thức dậy. Như một sự ám ảnh, M. không thể ngừng kiểm tra số like những bức ảnh của mình, hay check mail 30 phút một lần dù biết là không có gì mới. Những lúc ở bên bạn bè và kể cả khi đang trải nghiệm một niềm vui nào đó, M. cũng vô thức lướt điện thoại. Với cô bạn, hai điều tệ nhất hẳn là không đăng nhập được vào tài khoản mạng xã hội và không có wifi.

Hội chứng không muốn bị bỏ lỡ (FOMO – Fear of Missing Out) (3) khiến khả năng tập trung cũng như chất lượng giấc ngủ của M. dần đi xuống, ảnh hưởng đến việc học tập của M. lúc nào không hay.

Những lúc ngồi khóc một mình. Những lúc cãi nhau đuối lý với đồng nghiệp. Khi đơn xin việc bị từ chối. Khi chịu áp lực từ gia đình. Những cuộc yêu và hẹn hò nửa vời tuổi trưởng thành…

Mạng Xã Hội & Những Ảnh Hưởng Tâm Lý

Cả hai câu chuyện kể trên có thể là những câu chuyện không chỉ của riêng ai. Trong thế giới hiện đại ngày nay, không khó để bắt gặp người trẻ tìm kiếm kết nối và sự công nhận trên thế giới ảo. Chúng ta đầu tư vào mạng xã hội không chỉ thời gian mà cả cảm xúc – đó là lý do mà việc thụ động xem ảnh/ video từ người khác. Theo một nghiên cứu năm 2013 cuả Mỹ trên hơn 500 triệu người (1), đã chỉ ra rằng tỷ lệ hài lòng với cuộc sống ở những người sử dụng mạng xã hội giảm, vì họ tin rằng mọi người xung quanh hạnh phúc hơn mình. 

Các nền tảng số được thiết kế với chủ đích thu hút sự chú ý của người dùng lâu nhất có thể và trong các công ty công nghệ lớn đều có những bộ phận chuyên sâu dành để nghiên cứu thói quen và hành vi sử dụng thiết bị điện tử của người dùng. Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều có thể khiến người trẻ bỏ lỡ những trải nghiệm cũng như các kỹ năng xã hội quan trọng khác như gặp gỡ bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa – thể thao hoặc dành thời gian ngoài thiên nhiên. 

Sự tương tác đến từ mạng xã hội có thể giúp làm vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng nó không thể thay thế hoàn toàn giao tiếp xã hội. Những khó khăn để hòa nhập ở nước ngoài có thể khiến người trẻ thu mình lại và bỏ lỡ cơ hội để tạo dựng những mối quan hệ có ý nghĩa. Chúng ta chỉ chọn đăng tải những khoảnh khắc tốt đẹp nhất của mình còn che giấu những lúc buồn tủi, khó khăn sau màn hình – chúng ta nhìn nhau ngưỡng mộ hoặc ghen tị, không biết rằng ai cũng đều gặp phải những khó khăn chung khi xa nhà.

Công Nghệ hay Ứng Dụng chỉ là Phương Tiện, Không Phải Người Điều Khiển

Thống kế số lượng người dùng MXH tại Đức, tính đến Quý 3 năm 2020 (Nguồn Statista)

Theo thống kê dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Statista (2020) (2), nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất ở Đức là Whatsapp, rồi đến Youtube và Facebook. Khác với Facebook là một nền tảng cho phép người dùng cập nhật những status cảm xúc từ bạn bè và sự kiện, Whatsapp chỉ được thiết kế cho việc nhắn tin. Như vậy, nếu làm một phép so sánh chủ quan, chúng ta có thể nhận định rằng: việc Facebook là một không gian mạng để phần đông cộng đồng người Việt tìm đến, kết nối và chia sẻ không có vấn đề gì, cho đến khi nó trở thành nền tảng chính để chúng ta tiếp nhận thông tin và giải trí.

Với sự ra đời của ngày càng nhiều nền tảng kết nối như Discord, Meetup hay Spiderum etc., người trẻ có nhiều cơ hội hơn để chọn lọc những tương tác thật sự chất lượng. Câu chuyện của T. và M. cho thấy tầm quan trọng của việc chủ động kiểm soát cách thức mình sử dụng mạng xã hội sao cho hiệu quả và vẫn có thời gian cho những hoạt động khác. Kết bài, C2U muốn nhắn bạn hãy đừng ngần ngại “take a break” – dừng lại nếu bạn cảm thấy ngộp thở với những ứng dụng mỗi ngày. Hãy cho bản thân nhiều khoảng trống hơn để kết nối và sáng tạo theo cách khác, bạn nhé!

 Tài liệu tham khảo:

1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23967061/
2. https://www.statista.com/statistics/1059426/social-media-usage-germany/ 
3. https://www.ionos.com/digitalguide/online-marketing/social-media/fomo/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *