Ngoại hình và những tiêu chuẩn về “Yêu bản thân” liệu có dễ dàng trong thế giới hiện đại?
Sự đa dạng và cởi mở ở xã hội Âu – Mỹ đối với chủ đề ngoại hình cho phép du học sinh Việt Nam sự tự do để thử nghiệm và thể hiện vẻ ngoài của mình: bấm khuyên, nhuộm tóc, cạo trọc đầu, xăm hình, ăn mặc sexy, vv… mà không sợ bị phán xét. Trong bài viết này, C2U muốn cùng bạn thử tìm hiểu về câu chuyện ngoại hình và những thước đo bên lề của nó. Hãy bắt đầu bằng việc dành ra vài giây để trả lời những câu hỏi sau đây:
- Bạn đã từng rơi vào trường hợp bị miệt thị ngoại hình (body shaming) chưa?
- Lần gần nhất bạn cảm thấy bị miệt thị ngoại hình là khi nào?
- Ai là người miệt thị ngoại hình của bạn? Người thân, bạn bè, trên mạng xã hội, hoặc bạn nghe lại được từ lời người khác?
- Trải nghiệm đi du học có giúp bạn xây dựng bạn thêm tự tin về vẻ ngoài của mình không?
Ngoại hình trong đời sống hiện đại?
Con người bắt đầu phát triển nhận thức về cơ thể và ngoại hình của mình ở độ tuổi rất sớm – không phải ở độ tuổi dậy thì, khi cơ thể bắt đầu có những thay đổi rõ ràng về mặt giới tính. Theo nhà tâm lý học Oskana Hagerty, các bé trai và bé gái bắt đầu có nhận thức về vẻ bề ngoài dựa trên những gì mình quan sát được trong cuộc sống hàng ngày từ lúc 5-6 tuổi. Đóng vai trò quan trọng trong những suy nghĩ đầu tiên của các em về ngoại hình và giá trị bản thân là thái độ của cha mẹ: họ có sử dụng ngôn ngữ tích cực để nói về ngoại hình (nói chung) cũng như của con mình không?
‘Xã hội đề ra những tiêu chuẩn nhất định về cái đẹp mà mỗi người tiếp thu từ khi còn nhỏ. Qua các phương tiện truyền thông, thanh thiếu niên tiếp nhận những hình ảnh lý tưởng về cơ thể, với phụ nữ được khuyến khích có cơ thể nhỏ nhắn, còn nam giới phải có thể hình săn chắc và cơ bắp.’

Ở Việt Nam, chúng ta thường xuyên sử dụng những câu nói nhận xét về ngoại hình để mở đầu cho câu chuyện, ví dụ như, ‘Ôi, dạo này ăn uống có vẻ được quá nhỉ? Phát tướng rồi’, hay ‘Ăn uống kiểu gì mà sao gầy thế hả cháu?, vv.. Nhưng đã bao giờ bạn tự đặt mình vào vị trí của người nghe để quan sát xem cảm xúc và thái độ phản ứng sẽ như thế nào.
Người nói không quan trọng trong bối cảnh nào – dù là chào hỏi thường ngày giữa những người bạn lâu ngày không gặp, trên chương trình truyền hình, hay ở nơi công cộng như chốn học đường, giữa thầy cô giáo và học sinh, vv… Ta thường có thói quen nhắm vào ngoại hình trong cả những trường hợp vô tình lẫn cố ý.
Không nhìn đâu xa, có những tình huống dở khóc dở cười của du học sinh ngày về Việt Nam thăm gia đình với những câu chào hỏi của hàng xóm, ẩn sau “sự quan tâm” như: ”Ở Tây có khác, to béo quá?”, hoặc “Khiếp, dạo này mặt mụn kinh thế!” của đứa bạn khi mới mở camera trò chuyện lên. Những câu hỏi đó vô hình chung làm tổn thương tinh thần và gây khó chịu cho du học sinh.
Miệt thị ngoại hình xuất phát từ đâu?
Trong nền văn hóa Á Đông, những tiêu chuẩn ngoại hình xuất hiện qua nhiều hình thức khác nhau như cách cha mẹ chỉnh nắn con cái về cách ăn mặc, sự ảnh hưởng của làn sóng thần tượng âm nhạc – phim ảnh, hay trào lưu KOL (viết tắt của Key Opinion Leader – người đầu một xu thế), hay mạng xã hội.
Theo một nghiên cứu của châu Âu năm 2019 (1), mạng xã hội là một nguyên nhân trung gian gây nên những mặc cảm về ngoại hình – khi người sử dụng liên tục so sánh vẻ ngoài của những người nổi tiếng với bản thân, làm giảm sự tự tin cũng như bị tác động bởi mong muốn được công nhận từ những người xung quanh. Có bao nhiêu trong số vô vàn những tiêu chuẩn đó khiến các bạn trẻ phải nhịn ăn đến ngất đi, hay tập luyện bất chấp chấn thương (do tập sai cách)? Liệu cố gắng trở thành một người khác có giúp chúng ta biết cách yêu thương cơ thể mình, hay càng làm cho ta thấy khó chịu với những gì mình đang đó?
Có thể thấy việc có được một vẻ ngoài hoàn mỹ ngày càng trở nên quan trọng. Đơn cử như việc phẫu thuật thẩm mỹ và các chương trình thay đổi sắc đẹp đang trở nên vô cùng phổ biến ở Châu Á trong nửa thập kỷ qua.
Theo dõi chương trình truyền hình thực tế mang tên “Hành trình lột xác”, C2U thấy rằng nỗ lực cải thiện bản thân là không xấu; tuy nhiên, nỗi ám ảnh “bó hẹp” có thể khiến chúng ta bị giới hạn trong những lý tưởng và tiêu chuẩn nhất định về cái đẹp. Có ngoại hình đẹp chưa chắc đã mang lại cho bạn một sự tự tin mà bạn muốn có. Tồn tại song song với nền văn hóa miệt thị ngoại hình là những lý tưởng cơ thể khó đạt được cho tất cả mọi người.

Theo Tổ chức Quốc tế OCD, cứ 50 người thì sẽ có 1 người mắc rối loạn mặc cảm ngoại hình (Body Dysmorphic Disorder) (2) Nỗi ám ảnh với những khiếm khuyết trên cơ thể, kể cả khi những khiếm khuyết ấy là rất nhỏ và người khác có thể không quan sát thấy, có thể dẫn đến lo âu xã hội, trầm cảm hoặc rối loạn ăn uống. Quá trình mỗi cá nhân “hấp thụ” những tiêu chuẩn bề ngoài thường diễn ra một cách vô thức; từ đó, chúng ta tiếp tục đưa ra những đánh giá đến bản thân và người xung quanh, dù là ác ý (nhạo báng, chê bai, đùa cợt) hay có thiện chí (tích cực – khuyên nhủ).
“Yêu bản thân” không chỉ là một thông điệp
Những “chuẩn mực” của nền văn hóa Á Đông khiến người phụ nữ phải luôn tập trung vào sắc đẹp và cơ thể mình, cũng như bị giới hạn các lựa chọn. Dù rằng miệt thị vẻ ngoài là chuyện ai cũng có thể gặp phải, nhưng phụ nữ là đối tượng phải trải qua nó nhiều nhất.
Trong quá trình sinh sống và học tập tại Đức, C2U đã có nhiều cơ hội để tìm hiểu, khám phá những hình mẫu vẻ đẹp khác nhau. Như là một lối sống rất “sang chảnh”, phóng khoáng; kiểu trang điểm đậm và sexy theo xu hướng Mỹ-Âu; hay theo phong cách tối giản, với gu thẩm mỹ riêng nhưng “chất”. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp và cá tính riêng từ chủ nhân của nó.
Ở Châu Âu, không khó để nhìn thấy một hình xăm trên cách tay một cô giáo, mái tóc được nhuộm sặc sỡ đủ màu của đồng nghiệp làm chỗ làm. Tất cả đã tạo nên một sự đa dạng về lối sống và mọi người đều được chấp nhận và tôn trọng cá tính riêng của bản thân và những người xung quanh. Trải nghiệm du học đã giúp một phần nào trong việc học cách yêu bản thân, bớt sự câu nệ về chuyện ngoại hình vì đơn giản chúng ta khó có thể đánh giá một quyển sách hay hoặc dở chỉ dựa vào bìa sách.
Quan trọng là bạn cách bạn nhìn và tập yêu thương chính mình. Một người phụ nữ trong xã hội phương Tây không bị đánh giá chỉ thông qua nhan sắc của họ, và điều đó đã cổ vũ những du học sinh Việt Nam như chúng mình rất nhiều.
Là một du học sinh, bạn đã tiếp nhận được những lý tưởng hay chuẩn mực nào về cái đẹp?
Một cái đẹp Âu Mỹ hay vẻ đẹp thuần Á Đông sẽ hợp với bạn hơn. Bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn việc thể hiện nét đẹp của mình thông qua cách ăn mặc, trang điểm, hay hành xử trong cuộc sống hàng ngày.
Có thể nói chuẩn mực về cái đẹp là không có một chuẩn mực nào hết. Nếu như chưa thể thay đổi mọi thứ, bạn hãy học cách yêu những thứ mình đang có và dần dần cải thiện chúng.
C2U tin rằng sự tự tin và thần thái sẽ được xây dựng dựa trên những giá trị bên trong và ngoại hình không phải là yếu tố tiên quyết. Nếu như bạn chưa cảm thấy tự tin thì hãy thử nghĩ xem trong quá khứ, bạn đã từng làm việc gì thành công? Bạn đã học được những gì từ những lần chưa thành công? Hay việc làm nào khiến bản thân bạn cảm thấy thoải mái và thêm nhiều năng lượng?

Nếu bạn gặp phải rối loạn ăn uống và lo âu xã hội, hãy thử ghi chép lại mỗi ngày những hành vi, suy nghĩ, cảm xúc có liên quan đến ngoại hình và việc ăn uống của mình xem sao: hôm nay đã xảy ra chuyện gì? Bạn đã có những suy nghĩ hay cảm xúc gì trong ngày? Có mối quan hệ nào đang củng cố trong bạn những suy nghĩ tiêu cực về bản thân? Hay những tình huống nào có thể khiến bạn lặp đi lặp lại thói quen ăn uống không tốt (chẳng hạn như thi cử, tâm trạng xuống dốc vv..)?
Lưu ý rằng không có một cảm xúc nào là xấu, là tiêu cực cả. Mọi cảm xúc đều mang đến cho chúng ta một thông điệp, bạn hãy dừng lại một nhịp và chú ý lắng nghe xem thông điệp nào cơ thể đang muốn gửi đến bạn. Mọi thay đổi đều bắt đầu từ trong nhận thức. Để hiểu và biết cách trân trọng cơ thể mình là một quá trình dài – nó không chỉ bao gồm việc chúng ta có thể vạch rõ các giới hạn với người khác, mà còn cả kết nối lại với những giá trị bên trong mình.
C2U mong rằng dù có bận rộn đến đâu thì bạn vẫn sẽ có thời gian cho chính mình 🙂
Nguồn tài liệu tham khảo:
- Phillips, Katharine, and Dan Stein. “Body Dysmorphic Disorder – Mental Health Disorders – MSD Manual Consumer Version”. MSD Manual Consumer Version, 2018. https://www.merckmanuals.com/home/mental-health-disorders/obsessive-compulsive-and-related-disorders/body-dysmorphic-disorder.
- https://bdd.iocdf.org/professionals/prevalence/