C2U

(LGBTQ+) Chân trời tự do, con đường tự lo – P1

Hòa chung bầu không khí của tháng Tự hào (Pride Month), trong hai bài viết tới đây, C2U muốn mang đến góc nhìn về cộng đồng du học sinh LGBTQ+ Việt Nam tại Đức. Với bản dạng và biểu hiện giới khác biệt, các bạn đã mang đến sự đa dạng không chỉ cho nhóm du học sinh Việt Nam nói riêng, mà cả cộng đồng LGBTQ+ ở Đức nói chung. Hiện nay, chưa có nhiều nghiên cứu toàn diện về các vấn đề sức khỏe tâm lý ở nhóm đối tượng này. Bạn có tò mò rằng những vấn đề tâm lý mà du học sinh đa dạng giới gặp phải liệu có sự tương đồng hay khác biệt như thế nào so với du học sinh nói chung? Và khi cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần, các bạn ấy có thể tìm thấy nó ở đâu? Hãy cùng khám phá về chủ đề này trong bài viết dưới đây nhé!

*Tháng Tự hào LGBT là thời điểm mà cộng đồng LGBT trên khắp thế giới cùng tôn vinh sự tự do khi họ được là chính mình. Những sự kiện được tổ chức trong thời gian này nhằm ghi nhận và tưởng nhớ những đấu tranh của cộng đồng trong nhiều thập kỷ để vượt qua định kiến, được chấp nhận bởi xã hội. Các cuộc diễu hành Tự hào được tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, khởi nguồn từ cuộc bạo động Stonewall giữa chính quyền, cảnh sát và người đồng tình tại New York, Mỹ vào tháng 6/1969. Những người ủng hộ ở ngoài cộng đồng LGBTI+ cũng được chào đón tham gia.

Trước hết, LGBTQ+ là viết tắt của 5 từ trong tiếng Anh bao gồm:

  • Đồng tính luyến ái nữ (lesbian)
  • Đồng tính luyến ái nam (gay)
  • Song tính luyến ái (bisexual)
  • Hoán tính hay chuyển giới (transgender)
  • Và xu hướng tính dục chưa xác định (queer)
  • Dấu (+) là biểu tượng cho sự đa dạng về giới tính – xu hướng tính dục mà chưa quá phổ biến (chẳng hạn như “asexual” – vô tính hay “pansexual” – toàn tính).
Những khó khăn của cộng đồng LGBTQ+

Phần lớn cộng đồng LGBTQ+ vẫn phải chịu sự kỳ thị ở nhiều hình thức, mức độ khác nhau không chỉ từ xã hội mà cả trong chính gia đình mình, giữa bạn bè và những người thân thiết. Những khuôn mẫu và định kiến về giới tính – tình dục đóng vai trò lớn trong việc tạo ra và duy trì những bất công ấy. Từ khi còn nhỏ, việc có những biểu hiện khác biệt so với giới tính sinh học (mặc đồ khác giới, có cử chỉ khác lạ, vv..) đã khiến các bạn thanh thiếu niên đa dạng giới nhận lại phản ứng gay gắt từ cha mẹ: không chỉ cho đó là bệnh, các bạn còn có thể bị cưỡng ép điều trị tại phòng khám hay bệnh viện tâm thần. Ngoài ra, việc sớm có nhận thức và trải nghiệm cá nhân riêng về bản dạng giới cũng khiến họ thường xuyên gặp khủng hoảng về danh tính (identity crisis). Không dễ dàng để họ có thể diễn đạt cho người khác hiểu và tôn trọng sự khác biệt ở mình. Những điều này gây ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe tinh thần của các bạn, cho đến khi – rất có thể – các bạn đưa ra lựa chọn đi du học đến một nền văn hóa mới. 

Nhiều bạn trẻ chọn đích đến du học là những nước có nền văn hóa cởi mở về đa dạng giới – biểu hiện giới và tính dục. Ở đó, họ cảm thấy được xã hội công nhận như một con người bình thường. 
Nguồn ảnh: https://unsplash.com/
Du học như một cánh cửa cho tự do mới?

Là một trong những quốc gia tân tiến ở châu Âu, nước Đức dường như đón chào mọi sự khác biệt, dù là màu da, xu hướng tính dục, tuổi tác hay ngoại hình vv.. Ở đây tồn tại ít những kỳ vọng về sự tuân thủ hành vi, lựa chọn trong cuộc sống. Những cộng đồng thiểu số được khích lệ và cổ vũ thông qua các chính sách chủ trương bình đẳng, đa dạng và hòa nhập xã hội. Thái độ tôn trọng sự đa dạng có ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Chẳng hạn, việc sử dụng đại từ xưng hô anh ấy/ cô ấy/ họ đã dần trở thành điều – bình – thường – mới: mỗi người được tự do lựa chọn cách gọi mà họ muốn. “Họ” (they) là một đại từ nhân xưng phi giới tính, thường được những người không muốn xác định rõ ràng giới tính của mình là nam hay nữ lựa chọn, thay thế cho “anh ấy” hay “cô ấy”.

Ngoài ra, có vô số nhãn hàng, tụ điểm vui chơi, dịch vụ, sản phẩm thân thiện với người LGBTQ+; điều đó cho phép họ kết nối với các thành viên khác trong cộng đồng cũng như được hỗ trợ ít nhiều về mặt tâm lý. Những nhu cầu tưởng chừng như riêng tư nhất, chẳng hạn như nhà vệ sinh dành cho người chuyển giới và đa dạng giới ở nơi công cộng cũng được đảm bảo. Cộng đồng LGBTI+ ở Đức đã không ngừng đấu tranh để có được sự công bằng pháp luật trong kết hôn, tìm nhà ở hay việc làm. 

Xa nhà là một cơ hội cho các bạn du học sinh tự do khám phá xu hướng tính dục và biểu hiện giới. Họ có thể hẹn hò và xây dựng những mối quan hệ riêng tư mà không bị gia đình hay những người xung quanh đàm tiếu, phán xét. 

Nguồn ảnh: https://unsplash.com/
Du học sinh LGBTQ+ và sức khỏe tinh thần

Tuy nhiên, những bất cập không phải là không tồn tại. Nước Đức cũng vẫn có những bất công và kỳ thị đến nhóm người nước ngoài cũng như người đồng tính: sự đan xen giữa chủng tộc và xu hướng tính dục chắc chắn đặt một du học sinh đa dạng giới vào vị trí dễ tổn thương về nhiều mặt (tâm lý, thể xác cũng như quyền lợi). 

Theo báo cáo về sức khỏe tinh thần của Stonewall (2018), cứ tám người trẻ LGBTQ+ trong độ tuổi 18-24 thì có một người đã từng ít nhất một lần nỗ lực tự sát. Thiếu vắng sự chấp nhận vô điều kiện từ gia đình cũng như hình mẫu (role models) để học hỏi ở tuổi trưởng thành, họ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, rối loạn ăn uống, vv.. Ngoài ra, chưa có nhiều cơ sở chuyên môn được đào tạo và trang bị đầy đủ kiến thức để hỗ trợ cộng đồng đa dạng giới. Điều đó gây khó khăn để các bạn LGBTQ+ có thể tiếp cận với dịch vụ y tế (nói chung và chăm sóc sức khỏe tinh thần nói riêng). 13% trong số người được hỏi ở báo cáo trên đã phải trải qua sự đối xử bất công từ nhân viên y tế vì họ là người đồng tính (Nguồn: https://www.stonewall.org.uk/lgbt-britain-health). Điều đó cho thấy rằng cộng đồng LGBTQ+ cần được lắng nghe về nhu cầu và quyền được tiếp cận với các dịch vụ tham vấn – chăm sóc sức khỏe – bất kể giới hay bản dạng giới.

Nguồn ảnh: https://www.pinknews.co.uk/

Để kết lại cho phần 1 của chủ đề “Du học sinh LGBTI+ tại Đức và sức khỏe tâm lý”, C2U xin được giới thiệu những nguồn tài liệu hữu ích cho các bạn du học sinh đa dạng giới Việt Nam tại Đức. Phần 2 của chủ đề sẽ sớm được ra mắt với tên gọi “Chuyện công khai và vùng an toàn”, các bạn hãy đón đọc và chia sẻ nếu thấy bài viết hữu ích nhé! 

C2U mong rằng bạn đừng ngần ngại kết nối, tìm kiếm sự giúp đỡ, cũng như hòa mình vào đời sống đa dạng, cởi mở ở Đức, tìm lấy những hình mẫu trong cộng đồng LGBTQ+ để được truyền cảm hứng, từ đó can đảm sống đúng với con người của mình! 

Nguồn tham khảo:

  1. Cẩm nang khảo sát “Tình hình hỗ trợ tham vấn cho người LGBTI+ Việt Nam”, Trung tâm ICS, viện iSEE và Touching Soul Center thực hiện từ 24.09 – 04.10 tại Việt Nam
  2. Sự kiện Meet and Talk được tổ chức  bởi và cho cộng đồng LGBT+ VN tại Đức (Vielfalt VN)
  3. Group VietQueer in Deutschland: LGBTQ+ Safe Place Facebook cho người Việt tại Đức
  4. Workshop LGBTQ+ của Hội sinh viên Vietsoc Potsdam, được tổ chức vào tháng 11/2020
  5. Tập “Mở Tủ cùng Rất Đỗi Bê Đê” của Tây Du Ký Podcast (một dự án của HSV tại Hannover)
  6. Tài liệu chuyên môn LGBTQ+ bằng tiếng Việt: