C2U

Vùng An Toàn

Mỗi chúng ta hẳn đều có vô số lần muốn làm điều gì đó mà không có đủ động lực hay can đảm để bắt đầu, hoặc là khó có thể duy trì nó một cách đều đặn. Trải nghiệm ấy có liên quan khá nhiều đến một khái niệm trong lĩnh vực tâm lý học và phát triển cá nhân – đó là “vùng an toàn” (comfort zone). Trong bài viết này, hãy cùng C2U tìm hiểu về khái niệm ấy, cũng như khám phá xem nó có liên quan thế nào đến trải nghiệm sinh sống, học tập và làm việc tại nước ngoài nhé!

Đi ra khỏi vùng an toàn

Như bao du học sinh khác, Ngọc mang theo hành trang của mình khi sang Đức sự khao khát và háo hức khám phá một thế giới mới. Được xa rời môi trường quen thuộc, cô gói ghém năm đầu tiên mình trong vô số trải nghiệm: lần đầu tiên được bay bằng máy bay đến một địa điểm xa đến như vậy, được tự lập, làm quen với tính cách quy củ và đúng giờ của người Đức, được thử món xúc xích và bia Đức nổi danh vv.. Đó chính là mơ ước của Ngọc bấy lâu nay: được đi ra khỏi vùng an toàn của mình.
Thế nhưng mọi chuyện dần thay đổi khi cô bạn bước sang năm thứ hai, rồi năm thứ ba. Những vấn đề ập đến một cách dồn dập, từ chuyện thủ tục giấy tờ (ngân hàng, bảo hiểm, gia hạn visa), nhà cửa, công việc, các mối quan hệ bạn bè và tình cảm, cho đến chuyện học hành. Vốn đã quen có sự hỗ trợ của gia đình và những người thân thiết khi ở Việt Nam, Ngọc chới với nhận ra rằng mình vẫn còn non nớt về mặt tâm lý. Đó là khi những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ rất nhỏ cũng có thể khiến cô dồn nén cảm xúc trong nỗi nhớ nhà và sự tủi thân.

Nguồn ảnh: Tác giả
“Vùng tăng trưởng”

Để có thể đi qua những vùng Học hỏi và vùng Sợ hãi để đến với vùng Tăng trưởng là cả một quá trình dài, và đi du học chính là hành trình không ngừng bước ra khỏi vùng an toàn ấy. Những cơ hội để chúng ta củng cố niềm tin vào bản thân mình sẽ chỉ xuất hiện ở vùng sợ hãi – nơi có những thử thách mới mẻ, đôi khi là rất nhiều thử-và-sai cùng nỗi thất vọng đợi chờ. Những tình huống bất ngờ diễn ra sẽ buộc ta phải rèn luyện phản xạ, khả năng tư duy và quyết tâm hành động để giải quyết chúng. 

Sau tất cả, Ngọc học được cách để trở nên mạnh mẽ hơn, sẵn sàng hòa nhập và thích nghi mà không đánh mất sự cân bằng bên trong. Cô học cách nhìn nhận mỗi thất bại như là bước đệm để mình mở rộng những khả năng đang có, thay vì ép bản thân phải luôn xuất sắc hay thành công. Tư duy chào đón những thách thức cũng giúp Ngọc bớt đi nỗi sợ trước những điều mới. Bằng việc mỗi ngày đi từng bước nhỏ, cân bằng giữa những điều lạ lẫm và quen thuộc, cô bạn nhận ra mình hoàn toàn có thể tận hưởng quá trình thay vì luôn cố phải kiểm soát và cầu toàn trong mọi chuyện. 

Là du học sinh, thứ chúng ta cần đôi khi không phải một tinh thần thép mà là sự bền bỉ – một tinh thần có tính đàn hồi để giãn, co và phục hồi sau mỗi thử thách. Khó ai có thể duy trì lâu một sự ổn định về mặt tâm lý cũng như hiệu suất làm việc hiệu quả khi ở ngoài vùng an toàn của mình – tức là luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Một khi đã quyết tâm bước ra ngoài vùng an toàn, điều chúng ta cần là một tầm nhìn xa, một lộ trình rõ ràng để có thể chạy đường dài với những trở ngại mới. Chỉ cần không bỏ cuộc, bạn sẽ có thể kết hợp giữa vùng Sợ hãi và vùng Học hỏi để tiến tới vùng Tăng trưởng. Sẽ cần một thời gian dài để chúng ta có thể thực sự thích nghi với nền văn hóa mới, cũng như để có thể trả lời cho câu hỏi “Đâu mới là nhà của mình?” Và trên hết, điều quan trọng nhất đó là nhận ra rằng mỗi chúng ta đều cần cả hai vùng An toàn và Sợ hãi để có thể học hỏi, phát triển.  

Nguồn ảnh: connectoyou.com
Ý nghĩa của “vùng an toàn”

Điều này có nghĩa là khi chúng ta có thể nhận ra và quản lý phản ứng stress ở mình, chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc sống. Như câu chuyện ở trên, ngày trở về Việt Nam thăm gia đình sau hai năm rưỡi du học, Ngọc mới nhận ra những trải nghiệm du học không phải luôn mang màu hồng. Cô bạn cần nhiều thời gian để có thể học cách cân bằng giữa bên trong và bên ngoài vùng an toàn như mình muốn, bởi rõ ràng, khả năng chịu đựng áp lực cũng như làm quen và thích nghi với môi trường mới của mỗi người là khác nhau. Sự thoải mái vẫn là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Chúng ta cần đến thói quen, những gương mặt thân thuộc như gia đình, bạn bè để có thể cảm thấy an toàn, được chở che, để lấy đó làm bệ phóng mà an tâm trải nghiệm những điều mới. Ai cũng cần một nền tảng vững chắc về mặt tâm lý và cảm xúc để có thể phát triển một cách lâu dài. 

Hiểu được điều đó, Ngọc mới có thể dần mở rộng vùng an toàn của bản thân (thay vì luôn cố gắng thoát khỏi nó). Bằng việc dần dần tiếp thu những kiến thức và kỹ năng mới, Ngọc cảm thấy chắc chắn hơn vào những gì mình đang làm và dự định làm. Một cảm giác an toàn khác được hình thành: nó không còn đến từ sự trốn tránh những chướng ngại mà đến từ sự tự tin cô đã xây dựng được ở chính mình.