C2U

Hiểu về sức khỏe tinh thần thế nào?

Sức khoẻ tinh thần và những số liệu đáng báo động

Đề tài Sức khỏe tinh thần sôi nổi trên mọi diễn đàn

Trong vài năm trở lại đây, có thể nói “sức khỏe tinh thần” là một đề tài được bàn luận vô cùng sôi nổi từ trường học cho đến chốn công sở và rất nhiều những nơi khác. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu vì đại dịch COVID-19 kéo dài hơn hai năm đã để lại cho chúng ta rất nhiều những hệ lụy về mặt cảm xúc. Vô hình chung những hệ luỵ đó lại phần nào khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng của không chỉ sức khoẻ thể chất mà còn cả sức khoẻ tinh thần.

Có lẽ lo lắng là một cảm xúc thường trực nhất trong thời gian dịch vì chúng ta sợ rằng chính bản thân mình hoặc những người thân xung quanh đều sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh. Sự mệt mỏi dài ngày không chỉ bắt nguồn từ bệnh lý mà còn do những cảm xúc kéo theo như e ngại tiếp xúc với xã hội, thu mình không muốn giao tiếp, nỗi sợ phải đi cách ly tập trung với những điều kiện sống và thói quen sinh hoạt khác với thường ngày. Những cảm xúc này ngày một tích tụ khiến chúng ta rơi vào trạng thái hoang mang, căng thẳng, lo âu tột độ mà không biết phải làm gì để đối diện hay vượt qua được những cảm xúc này. 

Số liệu thống kê từ hình ảnh bên dưới cho ta thấy được phần trăm số người mắc rối loạn lo âu và trầm cảm gia tăng đáng kể ở Mỹ trong vòng một năm từ giai đoạn 2019 đến 2020.

Nguồn ảnh: World Economic Forum (weforum.com)
Chủ đề Sức khỏe tinh thần tại Việt Nam

Còn đối với Việt Nam, một trong số ít các nghiên cứu về tác động tâm lý liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đã chỉ ra rằng trong tổng số 1.423 người tham gia khảo sát, có 233 người (16,4%) bị tổn thương tâm lý ở cấp độ thấp, 76 người (5,3%) ở cấp độ trung bình và 77 người (5,4%) ở cấp độ cao. 

Hiểu một cách đơn giản, tổn thương tâm lý ở cấp độ thấp là khi ta thỉnh thoảng rơi vào trạng thái trống rỗng, căng thẳng, lo sợ, bồn chồn. Với cấp độ trung bình, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn và kéo theo sự căng thẳng kéo dài, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm nhẹ. Tổn thương tâm lý ở cấp độ cao nhất là khi ta phải đối mặt với bệnh lý trầm cảm, có nguy cơ làm tổn thương bản thân và có thể là mọi người xung quanh. Để biết chính xác mức độ tổn thương tâm lý của mình, C2U khuyên bạn nên tìm đến các chuyên gia tâm lý vì cơ thể và cảm xúc của chúng ta là không giống nhau. 

Từ những con số và báo cáo kể trên ta có thể thấy rằng việc bị tổn thương tâm lý không phải là chuyện của riêng mình ai mà là của cả thế giới trước, trong và thậm trí cả sau đại dịch. Điều quan trọng là bạn cần học cách quan sát và lắng nghe bản thân. Nếu bạn cảm thấy cảm xúc của mình không ổn hãy dũng cảm tìm đến những sự trợ giúp chuyên nghiệp để có thể nhanh chóng vượt qua những cảm xúc tiêu cực. 

Nguồn ảnh: Pikisuperstar - Freepik
Tác động của cách ly toàn xã hội đến sức khỏe tinh thần (mental health)

Hầu hết mỗi chúng ta luôn luôn có những vấn đề từ bên trong, nhưng có lẽ guồng quay cuộc sống vội vã đã cuốn ta vào một mớ hỗn độn mang đậm tính chu kỳ giữa ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm. Từ đó, ta bó bọc mình trong sách vở, công việc, hoạt động ngoại khóa,… để chính ta, dù vô tình hay cố ý, tự lãng quên chính bản thân mình.

Đại dịch COVID-19 xảy đến như một cú hích để tất cả những thứ ấy cùng nhau bùng nổ. Gần như cả thế giới, trong đó có Việt Nam, thực hiện giãn cách toàn xã hội. Điều này đồng nghĩa với việc ta sẽ không thể ra đường, không thể tiếp xúc trực tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, và các mối quan hệ khác. Nếu ngày nào của chúng ta cũng trôi qua một cách ảm đạm, mỗi ngày thức dậy phải học tập, làm việc, sinh hoạt trong một không gian bao quanh bởi bốn bức tường, không sớm thì muộn điều này cũng sẽ khiến ta cảm thấy vô cùng bí bách và khó chịu. 

Nhưng cách ly toàn xã hội là giải pháp cuối cùng và an toàn nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, ta không thể làm gì khác. Bên cạnh những mặt bất cập đã kể đến, việc làm việc, học tập tại nhà cũng đem đến cho ta nhiều giá trị tích cực khác, trên tất cả là cho ta thêm thời gian để nhìn nhận chính mình

Suốt khoảng thời gian giãn cách xã hội, bẵng đi những lúc kẹt xe trên đường; vội vã ăn thật nhanh để kịp giờ làm, giờ học; chạy hồng hộc để bắt kịp chuyến xe buýt đến trường;… thì thay vào đó, ta có thêm những khoảng thời gian trống với bốn bức tường xuanh quanh. Có lẽ nhờ vậy, cuộc sống ta tự nhiên có thêm một khoảng lặng nhất định. Khoảng lặng này, may mắn có thể cho phép ta tự đối chiếu vào bản thân.

Liệu rằng tất cả chúng ta đã thực sự dành thời gian chăm sóc bản thân và tâm hồn?

Để làm được điều này, C2U tin rằng chính từ bản thân các bạn cần phải có một ý thức và nhận thức nhất định về “sức khỏe tinh thần”. Nhận thức này sẽ thúc đẩy bạn nhìn sâu vào bên trong để phát hiện những vết thương tâm hồn đã bị lãng quên từ lâu, và hiểu hơn về chúng.
Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ “sức khỏe tinh thần” là gì, làm thế nào để bắt đầu nuôi dưỡng tinh thần ngay từ hôm nay. C2U mong bạn hãy kiên nhẫn đọc đến hết bài viết nhé! Chúng mình không hứa rằng có thể giúp bạn chữa lành những vết thương, nhưng chúng mình tin bạn sẽ có thêm được một góc nhìn về đời sống tinh thần cho bản thân đấy!

Một góc nhìn về “sức khỏe tinh thần”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra định nghĩa về sức khỏe tinh thần như sau:
Tiếng Anh: Mental health is a state of mental well-being that enables people to cope with the stresses of life, realize their abilities, learn well and work well, and contribute to their community.”

Tạm dịch sang Tiếng Việt: Sức khỏe tinh thần là một trạng thái an lạc về tinh thần mà cho phép con người đương đầu với các mối lo toan, căng thẳng trong cuộc sống; tự nhận thức được khả năng của bản thân; vẫn học tập, làm việc hiệu quả và đóng góp cho cộng đồng.”

Từ định nghĩa của WHO, ta có thể suy ra rằng: Việc duy trì một “sức khỏe tinh thần” tốt sẽ cho phép chúng ta đối mặt với các vấn đề của bản thân dễ dàng hơn, từ đó trạng thái tâm lý sẽ ổn định và gia tăng được hiệu suất cũng như kết quả của công việc.

Còn đối với C2U, mỗi người chúng ta nên có một tư duy mở về “sức khỏe tinh thần” cho chính bản thân mình, không nhất thiết phải bó buộc vào định nghĩa của bất kỳ ai cả. Định nghĩa của WHO được lồng ghép bên trên với mục đích sẽ giúp những bạn chưa hiểu về vấn đề này có một cái nhìn bao quát hơn. Khi đã đi sâu hơn vào hành trình nuôi dưỡng tinh thần, chúng mình tin bản thân các bạn sẽ có thêm một định nghĩa cho chính trường hợp của riêng bạn.

Vì sao bạn cần quan tâm đến “sức khỏe tinh thần” ngay từ hôm nay?

Trước khi tìm hiểu sâu hơn về vai trò của việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, C2U sẽ đưa bạn đi khám phá một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong tâm lý và trị liệu có tên “đứa trẻ bên trong” hay “inner child”.

Nguồn ảnh: Rudzhan - Freepik
Vậy, “đứa trẻ bên trong” hay “inner child” là gì?

Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rằng, “đứa trẻ bên trong” là một cụm danh từ với hàm ý ẩn dụ, thực tế là trong chúng ta, về mặt sinh học, sẽ không có một đứa trẻ nào cả (trừ khi bạn là phụ nữ mang thai).

>> Đọc thêm về”đứa trẻ bên trong” (inner child)

Dù có lớn đến bao nhiêu tuổi đi chăng nữa, bên trong ta vẫn luôn luôn tồn tại một đứa trẻ. Đứa trẻ này như một cuốn phim lưu giữ những kỉ niệm quá khứ của chính mình. Đó có thể là những khoảnh khắc vô cùng vui vẻ như cảm giác ấm áp vì được bố mẹ yêu thương, hoặc cũng có thể là những hồi ức đáng quên như những lần bị bạn bè cùng lớp bắt nạt, đánh đập, tẩy chay. 

Tất cả những điều ấy, dù vui hay buồn, đều góp phần không nhỏ định hình lên tính cách và con người ta hiện tại. Thậm chí có những lúc trong cuộc đời, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định thông qua sự điều khiển của đứa trẻ đó, đó là khi đứa trẻ lấn át cái tôi trưởng thành của bản thân ta.

  • Ví dụ: Khi bé, đi học, ta thường bị giáo viên chê mình ngu, dốt. Đứa trẻ trong ta sẽ khắc ghi điều ấy mãi đến khi ta trưởng thành. Và sau này, dù muốn đi theo con đường sư phạm nhưng nhớ lại những lời nhận xét, chê bai từ quá khứ, ta lại không dám bước tiếp.

Nếu thế thì, câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào để chăm sóc sức khỏe tinh thần và đứa trẻ bên trong ngay từ hôm nay?

Chăm sóc sức khỏe tinh thần và đứa trẻ bên trong

Như đã bàn luận ở trên, trong mỗi chúng ta đều tồn tại một đứa trẻ (inner child). Một số người may mắn có những đứa trẻ bên trong khỏe mạnh, vui vẻ. Nhưng không phải vì thế mà ta cho phép bản thân chủ quan và không coi trọng đứa trẻ bên trong. Ta cũng cần thường xuyên trò chuyện, chăm sóc để nuôi dưỡng “em” phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc hơn nữa. 

Còn đối với những người không may có một tuổi thơ không mấy tốt đẹp, nếu ta không có ý thức để ý và chăm sóc sớm mà ngày càng nhồi nhét vào đứa trẻ những năng lượng tiêu cực, vết thương chồng chất vết thương sẽ đến một ngày đứa bé ấy không thể chịu nổi nữa, và sẽ rơi bộc lộ cảm xúc, hành động một cách mất kiểm soát. Trạng thái này có thể đạt đến ngưỡng ta cảm thấy bản thân mình bị bao trùm bởi sự u tối của các tâm bệnh như: trầm cảm, rối loạn lo âu,… 

Để trải qua được những bệnh lý này, ta sẽ cần nhiều thời gian, công sức và cả sự hỗ trợ không chỉ của bác sỹ, chuyên gia mà còn của những người xung quanh ta. Khi này, chất lượng cuộc sống tinh thần của ta sẽ giảm đi vô cùng rõ rệt. 

Các trường hợp thường gặp khi chuyển sang giai đoạn bệnh lý của cảm xúc – Sức khỏe tinh thần

Giả sử khi bạn bắt đầu chuyển sang giai đoạn bệnh lý (của cảm xúc), C2U nhận thấy có 3 trường hợp chính thường xảy ra: 

  • Trường hợp đầu tiên: Nếu ta chấp nhận chính mình, dũng cảm vượt qua những bàn tán từ bên ngoài và tìm đến sự trợ giúp của các chuyên viên tâm lý, ta sẽ được hỗ trợ từ người có chuyên môn để hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, từ đó giúp ta tự đưa ra những giải pháp hiệu quả và nhanh chóng để giải quyết.
  • Trường hợp thứ hai: Ta biết bản thân mình đang bị tổn thương, sức khỏe tinh thần đang đà tụt dốc nghiêm trọng nhưng ta lại chọn cách tự gồng sức vượt qua để rồi xuất hiện trong tâm hồn mình là một vết sẹo tâm lý luôn luôn rỉ máu. Có thể ta tỏ ra là mình mạnh mẽ, nhưng ẩn sâu bên ttrong là những nỗi buồn không thể chia sẻ cùng ai.
  • Trường hợp thứ ba: Ta vì quá tuyệt vọng hay không còn đủ tỉnh táo nữa mà lại quyết định tự làm tổn thương chính bản thân mình, và thậm chí là tổn thương cả những người quanh ta. Xin lưu ý, tổn thương có thể tính đến không chỉ mặt cảm xúc mà còn là cả cơ thể với những “vết sẹo” vật lý.

Tạm kết

Có quá nhiều biến số có thể xảy ra, nếu ta không ý thức về “sức khỏe tinh thần” ngay từ hôm nay, thì biết đâu ta lại thuộc 1 trong 3 trường hợp trên thì sẽ thế nào?

Đó không phải là một viễn cảnh tốt và sẽ dẫn đến một cái kết có hậu, vì thế nên, C2U tha thiết mong quý độc giả, ngay khi đọc xong bài viết này, hãy bắt đầu từng bước để chăm sóc cho đứa trẻ bên trong của chính mình. 

Chuỗi bài viết về sức khỏe tinh thần bao gồm 2 phần, phần 2 sẽ sớm được lên sóng và hứa hẹn sẽ mang đến thêm cho các bạn một số gợi ý về một số hành động để bắt đầu chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân vô cùng chi tiết. Vì thế các bạn đừng bỏ lỡ nhé!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *