C2U

(LGBTQ+) Chân trời tự do, con đường tự lo – P2

Chuyện công khai và vùng an toàn

Ở hai bài viết đầu tiên, C2U đã giới thiệu về khái niệm “Vùng An toàn” cũng như đời sống của du học sinh LGBTQ+ tại Đức. Hai chủ đề tưởng chừng như không hề liên quan này sẽ được chúng mình liên kết để đưa ra một góc nhìn mới trong bài viết dưới đây: quá trình công khai (come out) của người đa dạng giới có thể được hiểu theo nghĩa “bước ra khỏi vùng an toàn” hay không? Và nếu không, thì khái niệm “an toàn” có gì khác với cộng đồng này? Nếu bạn là một người trẻ queer, một du học sinh, hay chỉ đơn thuần là cảm thấy tò mò với những câu hỏi này, hãy cùng đi tìm lời giải với C2U nhé!

“Come out of the closet” có nghĩa là gì?

Trong tiếng Việt, “come out” hay “đi ra khỏi tủ” ẩn dụ cho việc một người công khai xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của mình. Những người LGBTQ+ đã công khai được gọi là out, còn những người chưa hoặc quyết định sẽ không tiết lộ được gọi là closeted, hoặc being in the closet (ở trong tủ).
Công khai tính dục là một vấn đề riêng tư. Nó là một hành trình tâm lý kéo dài mà trong đó bao gồm sự tự nhận thức sâu sắc về bản thân, chấp nhận bản dạng giới, biểu hiện giới hoặc/ và xu hướng tính dục của mình.

“Xã hội đã đưa tôi một cái mặt nạ và bắt tôi phải đeo lên… Dù tôi đi đến bất cứ đâu, ở bất cứ thời điểm nào hay trước bất kì một thành phần nào của xã hội, tôi đều phải giả vờ.

Nguồn: Pride Month, Teo Georgiev

Công khai – dù là với gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp cũng mang tính nghịch lý: nó vừa có thể đem lại cho người LGBTQ+ một sự giải phóng, cảm giác được công nhận danh tính và con người đích thực của mình – nhưng cùng lúc cũng là quyết định mạo hiểm. Ellen DeGeneres, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ đã từng mạo hiểm cả sự nghiệp khi công khai mình là người đồng tíånh nữ vào năm 1997. Nhiều bạn trẻ sau khi come out (hoặc bị bắt gặp) xu hướng tính dục với gia đình đã bị đuổi khỏi nhà khi chưa đủ tuổi trưởng thành. Bố mẹ – trong sự hoang mang và thiếu chấp nhận – thường coi bản dạng giới mới tiết lộ của con chỉ là một “giai đoạn”, và bằng nhiều cách cố gắng thay đổi để con mình trở lại “bình thường”.

Sự phân biệt đối xử không chỉ đến từ phía gia đình. Đó là lý do mà nhiều người, kể cả khi đã qua độ tuổi trưởng thành, vẫn tiếp tục sống bí mật và che giấu xu hướng tính dục – bởi sự thật về danh tính của họ bị coi như điều gì đó tai tiếng, đáng xấu hổ. Như vậy, câu nói ẩn dụ “come out of the closet” chỉ những áp lực mà người LGBTQ+ phải chịu trong một xã hội dị tính luyến ái.

Người dẫn chương trình truyền hình Ellen DeGeneres come out trên bìa tạp chí TIME (tháng 4/1997)

“An toàn” có nghĩa là gì với người chuyển giới - đa dạng giới?

Công khai không đơn giản chỉ là cho ai đó biết “thông tin” về tính dục của mình. Để có thể làm được điều đó, một bạn LGBTQ+ rất có thể đã phải trải qua hành trình dài trăn trở, đối diện với những nghi hoặc, chối bỏ bản thân cho đến khi có đủ can đảm để “công khai” với người họ muốn. Nhiều bạn trẻ đã lựa chọn come out thông qua các nền tảng mạng xã hội vì chúng đem lại một khoảng cách cá nhân an toàn (trong việc đón nhận phản ứng từ người khác), đem đến cơ hội được xác nhận bản dạng giới thông qua trực tuyến trước tiên, trước khi gặp rủi ro xã hội (nếu có) trong thế giới thực.

Nếu các bạn còn nhớ, chúng mình đã từng giới thiệu về khái niệm mở rộng “Vùng an toàn” trong số đầu tiên của blog. Tuy nhiên, khác với nghĩa “an toàn” đó – trạng thái mà con người có thể thả lỏng với môi trường quen thuộc và không chịu thách thức quá nhiều, thì sự “an toàn” với cộng đồng LGBTQ+ liên quan đến những bất công trong xã hội hơn là đến chủ đề phát triển cá nhân.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Liên bang Đức (nửa đầu năm 2019), tội phạm liên quan đến các trường hợp tấn công người LGBTQ+ gia tăng trong những năm gần đây, phản ánh áp lực xã hội gây ra sự thiếu an toàn đến nhóm thiểu số.

Để có thể chấp nhận, hòa hợp và tự hào với căn tính của mình, người chuyển giới – đa dạng giới cần đến những không gian cởi mở và an toàn. Đó là lý do mà như C2U đã chia sẻ trong bài viết trước – rằng nhiều bạn trẻ queer lựa chọn đi du học để có thể tạm thời “thoát khỏi” cộng đồng còn thiếu cởi mở về vấn đề giới và tính dục.

Không gian trường đại học nên trao cho sinh viên cơ hội được khám phá và khẳng định một cách tích cực danh tính của họ.

Nếu các bạn là một người trẻ queer và có ý định đi du học, hãy tìm hiểu trước về cộng đồng đa dạng giới ở nơi mà mình sẽ sinh sống: thái độ chung của xã hội đến các xu hướng tính dục khác nhau là như thế nào? Kỳ vọng về những hành vi và tiêu chuẩn trong cộng đồng LGBTQ+ ở đó ra sao? Những nhu cầu về dịch vụ cũng như nhu cầu an toàn (các hỗ trợ sức khỏe, tâm lý – tinh thần) của bạn sẽ được đáp ứng chứ? 

C2U mong rằng bài viết này có thể cung cấp thông tin bổ ích cho các bạn, đem đến góc nhìn mới, còn ít được nói tới trong cộng đồng du học sinh Việt Nam. Hành trình lắng nghe và kết nối với bản thân – dù có gập ghềnh đến đâu – cũng là những bước đầu tiên để mỗi chúng ta có thể xây dựng một cuộc sống mà mình mong muốn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *